Doanh nghiệp (DN) cần nắm được tình hình kinh tế - xã hội vì đó là bối cảnh vĩ mô đối với hoạt động của DN. Trong lĩnh vực quản trị nhân sự, tình hình kinh tế là một yếu tố tác động đến quyết định điều chỉnh lương của người lao động cũng như nhiều nghiệp vụ khác.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,78%; quý III tăng 6,56%; quý IV tăng 6,68%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây (*), đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm trước, đóng góp 2,59 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp có mức tăng cao nhất với 6,11%, nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành nông nghiệp với quy mô trong khu vực lớn nhất (khoảng 75%) chỉ tăng thấp ở mức 0,72%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,80%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết, rét đậm, rét hại đầu năm tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; liên tục những đợt lũ trong các tháng cuối năm tại các tỉnh miền Trung và sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng Tư tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gây ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất của khu vực này.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,06% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,90%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng năm nay giảm tới 4,00%, đã làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây (**). Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn. Xu hướng ngành công nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, giảm sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng là điều cần thiết vì Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn. Ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 10,00%, đóng góp 0,60 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 8,28% so với năm 2015, đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,79%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện hơn với mức tăng 4,00%, cao hơn mức tăng 2,96% của năm trước, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống năm nay có mức tăng trưởng khá cao 6,70% so với mức tăng 2,29% của năm 2015, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung ■
* Mức tăng so với năm trước của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản một số năm: Năm 2011 tăng 4,23%; năm 2012 tăng 2,92%; năm 2013 tăng 2,63%; năm 2014 tăng 3,44%; năm 2015 tăng 2,41%.
** Mức tăng/giảm so với năm trước của ngành khai khoáng một số năm: Năm 2011 tăng 2,90%; năm 2012 tăng 5,14%; năm 2013 giảm 0,23%; năm 2014 tăng 2,26%; năm 2015 tăng 6,50%.
Nguồn: Link
|