Trong năm 2011 Giám đốc DTK Consulting đã tham gia một số hội thảo và phiên làm việc do VCCI tổ chức về góp ý kiến cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Trong trường hợp không tham gia hội thảo trực tiếp được, công ty đã thu thập ý kiến của các đồng nghiệp trong mạng lưới và gửi ý kiến qua đường công văn tới Ban tổ chức.
Sau đây là nội dung chính của công văn gửi Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam.
Số: 93 /DTKC-HC
V/v: Góp ý kiến cho Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi
Kính gửi:
Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Tầng 6, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: 04 – 3574 6936, email: vwec@vcci.com.vn
Ngày 18/05/2011 chúng tôi nhận được công văn số 0166/HĐDNN của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đề ngày 16/05/2011, mời đại diện Ban lãnh đạo doanh nghiệp đến tham dự và góp ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, được tổ chức vào sáng ngày 26/05/2011 tại Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, Hà Nội.
Do vào ngày này lãnh đạo doanh nghiệp đi công tác vắng không tham gia Hội thảo được, nên chúng tôi đã nghiên cứu Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi và thu thập thêm ý kiến của các đối tác, để tập trung góp ý kiến từ góc độ liên quan đến các vấn đề giới. Kèm theo đây là tổng hợp các ý kiến.
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Điều 7: Quan hệ lao động: cụm từ “thiện chí” không phù hợp. Lí do: không có chỉ số nào để đo lường mức độ “thiện chí”. Nên khó có thể phân định trong luật và có thể gây ra những khó khăn trong phân xử sau này. Ta có thể thấy các cụm từ khác trong Điều 7: công bằng, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng, đều có thể đánh giá được.
Điều 9: Nếu luật quy định rằng “cấm phân biệt đối xử” đối với người lao động nhiễm HIV-AIDS, thế còn các loại bệnh tật khác thì sao, ví dụ như Ung thư (trong thời kỳ vẫn có khả năng lao động)? Nên thay từ “nhiễm HIV-AIDS” bằng 1 cụm từ khác có tính bao gồm các bệnh khác. Nếu không thì vô hình chung luật đã loại các người có các bệnh lý khác ra khỏi điều luật có tính bảo vệ người lao động.
Điều 12: Quyền tuyển chọn lao động của người sử dụng lao động. Nên thêm quy định: “Trong quá trình tuyển dụng lao động, nếu điều kiện của doanh nghiệp hay tổ chức cho phép, hội đồng tuyển dụng cần có sự tham gia của các thành viên là nam và nữ ở một vòng hay tất cả các vòng xét tuyển”.
Điều 23: Cụm từ “lao động là người thiểu số” nên thay bằng “lao động là người dân tộc”. “Dân tộc” phản ánh đúng nguồn gốc của nhóm người, “thiểu số” mang tính định lượng.
Điều 131: Thời hiệu xử lý vi phạm kỷ luật lao động. Khoản 2.b. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian: “Người lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; người lao động phải nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi”: Nên áp dụng cho cả lao động nam đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuối mà mẹ chết khi sinh con./.