Nhân có một người bạn quan tâm đến vị trí P145 này, tôi xin có đôi điều giải thích để chúng ta cùng hiểu rõ hơn về PR trong các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài.
Mặc dù đã có hơn 12 năm làm việc tại các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) hay còn gọi là INGOs (International Non-Government Organisations), tôi cũng hơi bị bất ngờ khi nhận được email của người bạn đồng nghiệp từ khối INGOs, chủ đề tuyển PR Officer (tạm gác chữ part-time lại). Lý do là, xưa nay tôi không hề nghĩ "nó" (Truyền thông và Vận động - tại môi trường PCP) lại chính là PR!
Trong các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài (INGO), hay có vị trí Communications and Advocacy (Truyền thông và Vận động). Đây là một vị trí rất quan trọng. Thông thường, các dự án PCP có ngân sách không lớn so với các dự án đầu tư trực tiếp (FDI), hay các dự án phát triển chính thức (ODA). Ví dụ, khi tôi làm ở Dự án Tài chính y tế-Chăm sóc sức khoẻ ban đầu của một NGO của Anh tại Hải Phòng, Dự án viện trợ cho mỗi Trạm y tế xã, phường khoảng 1000 USD để mua thiết bị y tế và thuốc men. Với hơn 200 xã, phường, dòng ngân sách là hơn 200.000USD. Trong khi đó, vốn đầu tư tại Cty phát triển KCN Nomura-Hải Phòng, NHIZ, (nơi tôi làm việc sau khi Dự án NGO kia kết thúc), là hơn 100 triệu USD. Tôi hy vọng trí nhớ của mình về mấy con số này không quá sai. Mặc dù ngân sách dự án không lớn, song các NGOs thường làm điểm, rồi qua nghiên cứu, đánh giá, đem kết quả (lối tiếp cận) phục vụ cho công tác vận động các chính phủ và các nhà tài trợ lớn hơn (như WB, UNDP, vv) nên làm theo các mô hình hay áp dụng lối tiếp cận đó.
Một nhóm dự án có thể vất vả hàng năm trời hoặc nhiều hơn ở thực địa, nhưng kết quả và ý nghĩa (impacts) của Dự án chỉ tóm gọn trong một vài câu nói, hay thông điệp (messages) của cán bộ truyền thông tại một hội thảo quốc gia hay quốc tế. Công việc của cán bộ Truyền thông chủ yếu là đi họp, networking, gặp gỡ các quan chức cấp cao (thường là cấp tỉnh trở lên), tham gia các hội thảo, hội nghị… Tại tổ chức nơi tôi làm việc gần đây, Điều phối viên (ĐPV) phụ trách Truyền thông thuộc Ban quản lý cấp cao (SMT-Senior Management Team), tuy không có nhân viên nhưng ngang hàng với ĐPV của các chương trình lớn. Vậy là đủ thấy Truyền thông và Vận động quan trọng và có sức mạnh như thế nào.
Tổ chức NGO đang tuyển vị trí PR part-time này có lĩnh vực làm việc chính là tuyên truyền phòng chống bệnh đau mắt hột, đã có dự án ở Việt Nam từ năm 2000 và hợp tác chặt chẽ với Bộ y tế, các viện chuyên ngành và cơ quan y tế các cấp, Bộ giáo dục, các tổ chức quốc tế để thực hiện chương trình tại 21 tỉnh. Tổ chức tài trợ các biện pháp An toàn, bao gồm giáo dục về vệ sinh, phân phát hàng triệu liều thuốc tới trẻ em bị mắc bệnh đau mắt hột, hỗ trợ phẫu thuật cứu đôi mắt, tiếp cận với công trình vệ sinh và nước sạch tại các trường tiểu học.
Tuy là một vị trí làm việc bán thời gian, song người giữ chức vụ PR này sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong chiến lược truyền thông của tổ chức và trợ giúp Đại diện trong việc thực hiện các kế hoạch gây quỹ (fundrasing).
DTK Consulting, 24/4/2008
|