Chắc chắn bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi nghe đến việc sinh viên ngành quản trị, ở đây là ngành quản trị nhân lực (QTNL), lại đi đến “phòng thí nghiệm”. Lý do là xưa nay chúng ta mới chỉ nghe đến việc sinh viên các ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học cơ bản có giờ đi phòng thí nghiệm mà thôi.
Tuy nhiên, với bất cứ môn học nào, cũng cần có giờ lý thuyết và giờ thực hành. Ở nước ngoài, có khi sinh viên phải đi đến cơ sở ở bên ngoài nhà trường để “học giờ thực hành”. Vậy với sinh viên các ngành quản trị, cụ thể là ngành quản trị nhân lực thì sao?
Bài viết này dành cho sinh viên ngành quản trị nhân lực, song sinh viên các ngành khác nếu quan tâm đến rèn luyện và nâng cao kỹ năng trong lĩnh vực công việc văn phòng nói chung và quản trị nguồn nhân lực nói riêng, cũng có thể tham khảo.
Nói đến công việc ở phòng thí nghiệm, hẳn ai cũng hình dung công việc đòi hỏi nhiều thời gian, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thao tác cẩn thận, chính xác... Công việc trong phòng thí nghiệm thường đòi hỏi làm nhiều lần, ghi chép các kết quả; có khi làm hỏng phải làm lại. Sau buổi thí nghiệm, sinh viên thường phải làm báo cáo theo các chuẩn mực nhất định và rút ra các kết luận.
Trở lại với lĩnh vực quản trị (nhân lực). Vì nghề này có đặc thù là công việc văn phòng nên đòi hỏi rất nhiều kỹ năng văn phòng và có nhiều hạng mục công việc đòi hỏi sinh viên phải tập làm, phải thực hành nhiều thì mới có thể thuần thục về thao tác và phương pháp khi đi làm chính thức ở các doanh nghiệp và tổ chức.
|
DTK Consulting tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập. |
Dưới đây là một vài hạng mục công việc trong lĩnh vực tuyển dụng, một lĩnh vực khá phù hợp với các sinh viên QTNL mới ra trường khi được nhận vào các công ty.
1. Soạn thảo Thông báo tuyển dụng. (Tùy kênh đăng thông báo, như báo in, báo mạng, website, mạng xã hội, gửi thư… mà có những điểm đặc thù riêng cần áp dụng).
2. Soạn thư thông báo cho các tổ chức đối tác về vị trí cần tuyển dụng
3. Soạn thư mời các ứng viên tiềm năng ứng tuyển
4. Soạn thư trả lời ứng viên sau khi nhận được hồ sơ
5. Lập danh sách ứng viên
6. Soạn thư mời ứng viên đi phỏng vấn
7. Liên lạc qua điện thoại với các ứng viên
8. Thu thập thông tin liên quan phục vụ việc biên soạn các đề bài thi viết và các dạng thức đánh giá năng lực ứng viên khác
9. Biên soạn bộ câu hỏi phỏng vấn
10. Hỗ trợ trong việc ra đề thi viết
11. Soạn thư cảm ơn ứng viên đã đến phỏng vấn
12. Làm báo cáo nội bộ (hoặc dành cho khách hàng) sau khi phỏng vấn
13. Soạn thư mời ứng viên vào làm việc
14. Tập hợp hồ sơ tuyển dụng chính thức đối với ứng viên được nhận vào làm việc.
Và còn rất nhiều hạng mục công việc khác mới chỉ trong lĩnh vực tuyển dụng, chưa nói đến các lĩnh vực khác của công việc “Nhân sự” trong một tổ chức.
Tất cả các hạng mục công việc nêu trên (là ví dụ) đều là những hạng mục mà sinh viên ngành quản trị nhân lực (hay các bạn trẻ khác muốn chuyển sang làm việc trong lĩnh vực này) phải tập luyện, thực hành tại một “HR Lab” (“Phòng thí nghiệm dành cho các công việc về quản trị nhân lực”).
Với mục đích xã hội là tạo điều kiện cho sinh viên tập thực hành các hạng mục công việc cụ thể, DTK Consulting nhận sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư (có chọn lọc) đến thực tập theo cách thức sau. Để đảm bảo chất lượng thực tập và không quá ảnh hưởng đến công việc tại công ty, với mỗi buổi công ty chỉ nhận tối đa 2 sinh viên.