Trước thời điểm sinh viên năm thứ nhất nhập học ở các trường đại học, khá nhiều phụ huynh ở các tỉnh quan tâm đến việc thuê chỗ ở trọ cho con em mình. Nếu ở trong ký túc xá thì mức chi phí khá chuẩn, đều được các Ban quản lý ký túc xá công bố và chịu sự quản lý của nhà trường. Tuy nhiên không phải sinh viên nào cũng được thuê chỗ ở trong ký túc xá, vì cơ sở vật chất của các ký túc xá là có hạn. Ngoài ra, nhiều phụ huynh và sinh viên lại muốn tìm chỗ ở trọ ở bên ngoài, cho tự do và đáp ứng các nhu cầu cá nhân (như nấu ăn).
Khảo sát này nhằm mục đích cung cấp cho các phụ huynh và sinh viên năm thứ nhất từ các tỉnh có một số thông tin cơ bản về chi phí thuê nhà hàng tháng phải trả và tiền thuê nhà cố định hàng tháng phải trả ở Hà Nội. Qua việc khảo sát cũng thu thập được một số thông tin liên quan về điều kiện của địa điểm thuê trọ để các phụ huynh và sinh viên tham khảo.
Báo cáo ngắn này được xây dựng khi cỡ mẫu (số sinh viên đang thuê trọ trả lời) là n=40. Khi xử lý số liệu, 2 giá trị cao nhất và 2 giá trị thấp nhất đã được loại bỏ.
Trong Bảng hỏi, có chia nhóm sinh viên theo địa bàn nơi trường đại học đặt cơ sở chính và khu vực sinh viên đang thuê trọ. Sáu nhóm đó là:
- BK, XD, KTQD (Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế Quốc dân)
- FTU, HVNG, Luật HN, LĐXH (Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Luật Hà Nội, Lao động Xã hội
- HVNH, Thủy lợi, Y HN, CĐ (Học viện Ngân hàng, Thủy lợi, Y Hà Nội, Công đoàn)
- ĐHSP, khu vực Xuân Thủy, ĐHTM (Đại học Sư phạm, Đại học Thương mại, khu vực đường Xuân Thủy)
- HANU, NV, Kiến trúc, khu vực Nguyễn Trãi (Đại học Hà Nội, ĐH KHXH & Nhân văn, Kiến trúc, khu vực đường Nguyễn Trãi)
- Khu vực khác
Chi phí thuê nhà hàng tháng phải trả
Chi phí này bao gồm tất cả các khoản sinh viên phải trả cho chủ nhà (gồm cả điện, nước, Internet...) Xem Biểu đồ 1.
Kết quả khảo sát cho thấy, với 95% số sinh viên thuê chỗ ở trọ bên ngoài, chi phí thuê nhà trung bình hàng tháng mà sinh viên phải trả nằm trong khoảng từ 470 nghìn đồng đến 2,68 triệu đồng. (Số trung bình là 1,57 triệu đồng và độ lệch chuẩn là 0,56 triệu đồng).
Sở dĩ có sự khác biệt khá rộng vì sinh viên và gia đình phải căn cứ vào điều kiện kinh tế của gia đình. Qua kết quả này có thể cho thấy, nếu sinh viên, gia đình nào có khả năng chi từ 2,7 triệu đồng/tháng trở lên cho chỗ ở trọ thì thuộc vào nhóm Top 2,5%; tức Top 25 trong số 1000 sinh viên. Tương tự, trong số 1000 sinh viên, có 25 sinh viên chi dưới 470 ngàn/tháng cho chỗ ở trọ. (Đây là nhóm Bottom 2,5%).
Biểu đồ 1 (số liệu từ khảo sát, trong đó 2 giá trị cao nhất và 2 giá trị thấp nhất đã được loại bỏ):
BẢNG TỔNG HỢP: Đây là link đến FILE TỔNG HỢP dạng PDF, đã sẵp xếp thứ tự theo KHU VỰC có nhà trọ và theo TỔNG CHI PHÍ giảm dần. Bấm vào đây để xem trên màn hình. Bạn đọc có thể vào menu File để tải về.
Tiền thuê nhà cố định hàng tháng phải trả
Đây là khoản tiền thuê nhà không bao gồm các biến phí như điện, nước, Internet... (Xem Biểu đồ 2).
Kết quả khảo sát cho thấy, với 95% số sinh viên thuê chỗ ở trọ bên ngoài, tiền thuê nhà cố định hàng tháng phải trả trung bình nằm trong khoảng từ 470 nghìn đồng đến 2,15 triệu đồng. (Số trung bình là 1,31 triệu đồng và độ lệch chuẩn là 0,43 triệu đồng).
Biểu đồ 2 (số liệu từ khảo sát, trong đó 2 giá trị cao nhất và 2 giá trị thấp nhất đã được loại bỏ):
Về các điều kiện vật chất khác liên quan đến phòng trọ, trong số 41 sinh viên trả lời (tại thời điểm cập nhật), tình hình như sau.
Bảng 1
Thuê phòng ở một mình |
4 |
Thuê phòng ở chung với người khác |
33 |
Thuê căn nhà độc lập |
3 |
Chỗ bạn ở là khu phòng mà chủ nhà thiết kế riêng để cho thuê |
14 |
Chỗ bạn ở là ở chung cùng chủ nhà |
17 |
Chỗ bạn thuê có bếp chung |
5 |
Phòng bạn đang thuê có WC riêng |
22 |
Phòng bạn đang thuê dùng chung WC với phòng khác |
12 |
Chỗ bạn thuê có Wifi do chủ nhà lắp sẵn và sinh viên chia nhau mức phí khoán/tháng |
10 |
Phòng bạn ở có điều hòa lắp sẵn |
3 |
Trong số 41 sinh viên trả lời khảo sát, có 33 người (chiếm 80%) ở chung với người khác. Số có phòng trọ ở chung khu vực với chủ nhà là 17 (chiếm 41%). Số sinh viên ở phòng trọ thuộc khu vực mà chủ nhà thiết kế riêng để cho thuê là 14 (chiếm 34%).
Một số chi phí khác
Sau đây là một số khoản chi phí phát sinh mà chủ nhà có thể yêu cầu người ở trọ trả thêm hoặc các sinh viên ở cùng khu trọ thống nhất với nhau. Sinh viên và gia đình cần thống nhất rõ trong hợp đồng thuê phòng trọ:
- Tiền vệ sinh, tiền sửa chữa đồ dùng hỏng trong nhà.
- Tiền điện, nước, theo giá “nhà nước” hay giá khác.
- Tiền gửi xe.
- Chi phí sửa chữa các đồ dùng chung ở WC khi hỏng, hoặc vật dụng trong phòng hỏng (bóng đèn, dây phơi quần áo chung…)
- Tiền đặt cọc phòng.
- Các khoản khác: Điện thắp trong nhà, điện bơm nước, điện thắp hành lang, phí dọn rác, tạm trú tạm vắng.
- Tiền Internet chia theo đầu người, nhưng là do các phòng tự lắp.
Một sinh viên chia sẻ về chi phí thuê ở khu vực đường Giáp Bát gần các trường KTQD, XD, BK:
- Nếu ở khu dãy nhà trọ thì chi phí cố định (thuê nhà) cũng như chi phí biến đổi (điện, nước, Internet) thường sẽ thanh toán theo tháng. Nhưng an ninh không ổn lắm, cũng ồn.
- Nếu ở theo kiểu nhà cao tầng có nhiều phòng thuê thì khoản cố định thường thanh toán theo quý, chi phí biến đổi thanh toán theo tháng. An ninh tốt hơn.
Về tiền điện, có sinh viên chia sẻ là chỗ thuê trọ không được lắp công tơ phụ. Vì vậy, mỗi tháng dù phòng có dùng điện, nước, Internet hay không (như tháng hè, nghỉ lễ dài ngày) thì vẫn phải nộp nguyên như cũ.
Một vài mức chi mà sinh viên chia sẻ:
- 2 tháng đóng tiền thu dọn rác một lần 10.000 đ
- Tiền điện 4.000 đồng/1 số
- Tiền nước sinh hoạt 50.000 đồng/1 người
Hy vọng các thông tin trên có phần hữu ích đối với sinh viên năm thứ nhất và phụ huynh đến từ các tỉnh khi tìm phòng trọ gần các trường đại học tại Hà Nội./.
DTK Consulting, 03/8/2013
Vui lòng trích dẫn www.dtkconsulting.com nếu bạn sử dụng thông tin từ website này.