Hội thảo khoa học ”Khó khăn thách thức do biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam”, do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức vào ngày 26/10/2008. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã đến dự và chỉ đạo Hội thảo.
Dưới đây là tham luận của Giám đốc DTK Consulting, chuẩn bị cho Hội thảo này.
Công ty TNHH Tư vấn Quản lý nhân sự DTK (DTK Consulting Co., Ltd) được thành lập vào tháng 12/2006, một tháng sau khi Việt Nam được chấp nhận gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, với niềm tin sẽ nắm bắt các cơ hội và vượt qua các thách thức trong thời đại mới của đất nước Việt Nam.
Trong 22 tháng qua, Công ty đã cung cấp dịch vụ tư vấn quản trị nhân lực và dịch vụ tuyển dụng (chủ yếu là với quản lý cấp trung, cấp cao và nhân viên chuyên môn, kỹ thuật) cho hơn 70 đối tác, là các tập đoàn, công ty dân doanh của Việt Nam, các công ty đa quốc gia cũng như một số tổ chức của nước ngoài. Như bất cứ doanh nghiệp nào khác, bản thân chúng tôi đã chịu những biến động kinh tế vĩ mô và do đặc thù kinh doanh, cũng có dịp hiểu thêm về những tác động này từ bối cảnh của các đối tác. Từ kinh nghiệm thực tế, tại đây chúng tôi xin chia sẻ một số nhận xét và kiến nghị một vài giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại và trong tương lai.
|
Đoàn chủ tọa Hội thảo: GS.TS Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ bên phải , Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Nguyễn Đức Hưởng (bìa trái), Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Liên Việt; GS.TS Nguyễn Văn Nam (thứ hai từ trái sang), Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Ông Nguyễn Hoàng Anh (bìa phải), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Lạm phát: Lạm phát tăng đến hai con số, với chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2008 tăng 23,15% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó giá lương thực tăng 60,06% và giá thực phẩm tăng 32,82% so với tháng 10/2007, đã làm giảm mạnh mức thu nhập thực tế, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của đại đa số người lao động, đặc biệt là nhóm có thu nhập thấp. Tại các doanh nghiệp và tổ chức, người lao động có những yêu cầu và mong đợi rất cao về mức tăng lương nhằm bù trừ cho mức lạm phát, gây sức ép cho người sử dụng lao động trong phạm vi ngân sách có hạn và căng thẳng trong doanh nghiệp, vì đại đa số các doanh nghiệp và tổ chức không thể tăng lương cao bằng mức tăng của chỉ số giá.
Tỷ giá: Việc tỷ giá USD-VND có những lúc xuống thấp đáng kể đã làm các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài có mức lương ghi trong hợp đồng lao động bằng USD (theo quy định), phải lo tính đến các phương án đối phó tình thế, gây xáo trộn trong công tác quản trị nhân sự, tài chính. Bản thân tâm lý người lao động cũng bị ảnh hưởng phần nào khi mức thu nhập thực tế bị “giảm kép” (USD bị giảm giá và VND lạm phát cao). Việc các ngân hàng có giai đoạn không mua vào USD của người dân, ngay cả của người gửi tiền tiết kiệm tại chính ngân hàng đó, đã gây tâm lý lo lắng, làm giảm lòng tin của người dân đối với chính sách quản lý ngoại hối.
Lãi suất tín dụng: Lãi suất tín dụng cao đã làm chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng và hạn chế khả năng huy động vốn, cho dù các doanh nghiệp dân doanh có đi huy động vốn trong bạn bè, anh em, đồng nghiệp, chưa nói gì đến những “rào cản kỹ thuật” khi đi vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp rõ rệt. Phí dịch vụ ngân hàng tăng làm các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang giao dịch nhiều hơn bằng tiền mặt, đi ngược lại với xu hướng tân tiến và bản thân doanh nghiệp cũng bị mất thời gian hơn.
Khó khăn, thách thức của doanh nghiệp: Những biến động kinh tế vĩ mô đã tạo ra những thách thức sau đối với doanh nghiệp.
a- Khó khăn trong việc duy trì được quỹ lương đáp ứng các yêu cầu tăng lên của doanh nghiệp và người lao động (NLĐ).
b- Do lạm phát cao, ngày 10/10/2008, thông qua hai Nghị định 110/2008/NĐ-CP và 111/2008/NĐ-CP, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng tại các công ty dân doanh…, trực tiếp làm tăng quỹ lương đối với những lao động đang hưởng mức lương bằng hay trên không đáng kể mức lương tối thiểu vùng hiện tại, gián tiếp tạo sức ép đối với việc tăng quỹ lương ở những vị trí mà NLĐ đang ở những ngạch, bậc lương cao hơn, từ những lý do tâm lý rằng LTT tăng thì các bậc lương khác cũng cần tăng theo. Việc chỉnh sửa và đăng ký lại các thang bảng lương trong trường hợp bị lạc hậu so với mức lương tối thiểu vùng mới cũng gây mất thời gian cho doanh nghiệp mà không tạo ra một giá trị gia tăng nào cho sản xuất, kinh doanh.
c- Nguy cơ NLĐ bỏ DN ra đi khi lương không được tăng đáng kể so với lạm phát. Chi phí lương với các vị trí tuyển dụng mới cũng cao hơn.
d- Khó khăn trong huy động vốn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, chưa nói đến nguy cơ phải đóng cửa hay phá sản doanh nghiệp.
Năng lực của doanh nghiệp:
a- Khả năng thu hút và lưu giữ người lao động: Trong điều kiện lạm phát cao, những doanh nghiệp không có một nền văn hoá doanh nghiệp sắc nét, môi trường làm việc không tân tiến, trách nhiệm xã hội ngay trong phạm vi nội bộ không được lưu ý (ví dụ DN không đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ), lại không đáp ứng được yêu cầu tăng lương để bù phần nào cho lạm phát, rất dễ dàng bị mất người lao động có chuyên môn, năng lực quản lý. Những DN này cũng rất khó tuyển dụng lao động mới, lao động thay thế từ cấp chuyên môn trở lên.
b- Sự cập nhật với thông tin và khả năng phân tích, xử lý thông tin: Khả năng tiếp cận thông tin và các xu hướng của nền kinh tế vĩ mô, tài chính, quản trị một cách chính thống và phân tích, áp dụng cho việc ra quyết định của DN bị hạn chế, dẫn tới việc lập kế hoạch kinh doanh cũng như đề ra biện pháp quản trị, ứng phó, thiếu tính hiệu quả.
|
Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển phát bỉểu tại Hội thảo. Người ngồi bên trái, thành viên Đoàn chủ tọa, là ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch VCCI. |
Giải pháp hỗ trợ: Để hỗ trợ cho doanh nghiệp tồn tại trong những bối cảnh vô cùng khó khăn, hướng tới phát triển, hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả hơn, rất cần sự tăng chất lượng điều hành và quản lý vĩ mô của Chính phủ và các ban ngành, thông qua các giải pháp sau.
a- Tăng cường cung cấp thông tin quản lý kinh tế vĩ mô trên các website của Chính phủ, các Bộ; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng Internet, email và công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong tiếp cận thông tin kinh tế, quản lý và quảng bá, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ.
b- Định hướng và quản lý chặt chẽ việc đưa tin của các phương tiện truyền thông liên quan đến đường lối và các xu hướng điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
c- Không ngừng hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước và đơn giản hoá các thủ tục (đặc biệt là tại các cơ quan chính quyền, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, lao động TB&XH…), để giảm các chi phí không cần thiết về thời gian và tài chính cho doanh nghiệp.
d- Phấn đấu để sớm có một cơ chế thị trường thực sự đối với những lĩnh vực cung ứng có tính độc quyền hay gần như độc quyền hiện nay với những mặt hàng chiến lược như điện, xăng dầu, để doanh nghiệp và người dân không phải chịu những bất bình đẳng trong sử dụng dịch vụ.
e- Khai thác tối ưu năng lực của các nhà khoa học và quản lý của Việt Nam trong công tác dự báo những xu hướng phát triển kinh tế, trong bối cảnh hội nhập, để giảm thiểu các rủi ro.
Xin quý vị đại biểu tham dự hội thảo tham khảo thêm thông tin từ một số Bản tin đã ấn hành của DTK Consulting, đăng trên trang web www.dtkconsulting.com.vn. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với mọi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực quản trị nhân lực, vì lợi ích chung của các bên, sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam ■
DTK Consulting, 25/10/2008
File Word của bài này có thể được tải về từ đây.