Dự án Luật Công đoàn được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII. Đây là dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của Công đoàn và của các doanh nghiệp.
Để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật công đoàn vào kỳ họp thứ ba (tháng 5/2012), Văn phòng Giới sử dụng lao động - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban pháp luật của Quốc hội tổ chức buổi tọa đàm :
“Lấy ý kiến về việc thực hiện pháp luật công đoàn tại doanh nghiệp”
Mục đích: Thu thập thông tin từ thực tế trong việc thực hiện pháp luật công đoàn tại doanh nghiệp trong thời gian qua và lấy ý kiến người sử dụng lao động về dự thảo Luật công đoàn để phục vụ cho việc chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật công đoàn
Thời gian: Từ 13h30 – 17h00 ngày 20/ 2/ 2012
Địa điểm: Khách sạn Công đoàn Việt Nam - 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
NỘI DUNG TỌA ĐÀM LẤY Ý KIẾN
Việc tọa đàm, lấy ý kiến tập trung vào những nội dung chính sau đây:
(1) Thực trạng bảo đảm quyền thành lập, gia nhập công đoàn của người lao động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp;
(2) Thực trạng hoạt động của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích của người lao động; tham gia quản lý nhà nước; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, lãnh đạo đình công và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;
(3) Mối quan hệ của công đoàn với thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và với các cơ quan nhà nước ở địa phương;
(4) Mối quan hệ của công đoàn cấp trên với thủ trưởng cơ quan trực tiếp của công đoàn cơ sở, công đoàn ngành; quan hệ giữa công đoàn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp với công đoàn cấp trên trực tiếp;
(5) Việc bảo đảm hoạt động của công đoàn, bao gồm: bảo đảm về cơ sở vật chất, tổ chức cán bộ, kinh phí và thời gian hoạt động công đoàn, cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn;
(6) Vấn đề kinh phí công đoàn, bao gồm: việc nộp, thu và chi kinh phí công đoàn;
(7) Việc giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của công đoàn;
(8) Từ thực tế thực hiện pháp luật công đoàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có những kiến nghị gì để hoàn thiện pháp luật công đoàn ?
(9) Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật công đoàn.
Các đồng nghiệp, cá nhân và tổ chức quan tâm đến việc góp ý kiến cho Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), có thể tham gia ý kiến trực tiếp on line tại trang http://duthaoonline.quochoi.vn [vào Link cụ thể].
---
Ngày 20/2/2012, Giám đốc DK Consulting đã tham dự Tọa đàm này với tư cách là một cộng tác viên của Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI.
Một số ghi chép chính từ buổi Tọa đàm
Buổi Tọa đàm đã có sự tham dự của 4 thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đại diện Tổ soạn thảo văn bản của dự thảo Luật Công đoàn. Tham gia Tọa đàm và trao đổi ý kiến có các đại diện từ các công ty Việt Nam, công ty nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp; trong đó có cả quản lý cấp cao là người nước ngoài đến từ một công ty của Nhật Bản.
- Đại diện một công ty may ở Hưng Yên với trên 11 ngàn lao động nêu ý kiến, liệu có thể cho phép công ty được giữ lại phần kinh phí đáng ra phải nộp lên Công đoàn cấp trên, vào việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Lý do là số kinh phí này rất lớn, lên đến 9 tỷ đồng/năm (quỹ tiền lương 450 tỷ đồng x 2%).
- Giám đốc DTK Consulting có ý kiến về Điều 25 của Dự thảo Luật Công đoàn (“Bảo đảm cho cán bộ Công đoàn” khi hết hạn hợp đồng lao động): Tờ trình Quốc hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 14/10/2011 nêu hai ý kiến, trong đó Ý kiến thứ hai là hợp lý hơn (tức cán bộ CĐ không chuyên trách “được tiếp tục ưu tiên ký hợp đồng đến hết nhiệm kỳ”); tuy nhiên cần đối chiếu với Bộ luật Lao động sửa đổi (đang chờ trình Quốc hội) để có sự nhất quán giữa hai luật (theo Bộ luật Lao động, sau hai lần gia hạn hợp đồng thì phải chuyển sang hợp đồng không kỳ hạn).
- Đại diện một công ty cơ điện tại Thanh Oai, Hà Nội nêu ý kiến, rằng với 500 lao động mới có một cán bộ Công đoàn chuyên trách thì là thấp (tức nên giảm ngưỡng 500 xuống).
- Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh rằng cần lưu ý sao cho những nội dung của Luật Công đoàn (sửa đổi) không làm cho việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị cản trở. (Việc đem tiền của tổ chức này cho tổ chức khác, nếu không minh bạch, là không phù hợp).