Trong chương trình đào tạo ở đại học của nhiều ngành, sinh viên phải đi thực tập ở năm cuối. Thực tế cho thấy sinh viên chia làm 2 nhóm: một nhóm chỉ cần “lấy dấu” xác nhận; nhóm thứ hai mong muốn gặt hái được những trải nghiệm thực. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên, việc tìm được một nơi thực tập phù hợp cũng khá khó, đặc biệt là với những sinh viên có mức độ quan hệ xã hội, quan hệ mạng lưới không đáng kể.
Vậy sinh viên cần phải làm gì để tìm được một nơi thực tập hiệu quả?
Bài viết này đề cập đến bối cảnh doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, trong đó sinh viên vận dụng các nguyên tắc của thị trường để tiếp cận các công ty, tổ chức (sau đây gọi chung là tổ chức) để tìm chỗ thực tập một cách thực chất.
Lưu ý, các tổ chức tạo điều kiện cho sinh viên thực tập vì những lý do sau đây:
- Lý do ngoại giao (muốn giúp đỡ các cá nhân trong mạng lưới);
- Có cơ hội tìm hiểu nhóm ứng viên tiềm năng, sau này có thể trở thành nhân viên trong tổ chức hay cộng tác viên, đối tác;
- Quảng bá hình ảnh của tổ chức;
- Thực hiện trách nhiệm xã hội.
Việc một tổ chức sẵn sàng và có thể tạo bao nhiêu vị trí thực tập trong một thời điểm, phụ thuộc vào một số yếu tố: văn phòng, chỗ ngồi, máy tính, nhân viên và quản lý hướng dẫn sinh viên thực tập, rủi ro trong quản lý thông tin bảo mật, truyền thông….
Về nguyên tắc, các bước để tìm được một nơi thực tập hiệu quả cũng giống như khi tìm việc làm chính thức. Trong khâu lên kế hoạch và chuẩn bị để đi thực tập, sinh viên cần lưu ý hai công đoạn sau.
1- Xác định rõ các Mục tiêu và Điều kiện thực tập;
2- Chuẩn bị kỹ thông tin về bản thân.
Khâu chuẩn bị thứ hai thực chất là làm một bản CV (Tóm tắt quá trình học tập), giao dịch (bao gồm qua email). Bạn đọc có thể tham khảo chuỗi bài viết:
* Cách chuẩn bị và gửi Hồ sơ ứng tuyển qua email hiệu quả
* Một bản CV mẫu với “thông tin người thực việc thực”
Với khâu chuẩn bị thứ nhất, các Mục tiêu và Điều kiện thực tập (có thể đưa vào ngay ở phần đầu của bản CV), sinh viên cần ghi rõ:
- Các mục tiêu mong muốn đạt được khi đi thực tập, như: lấy số liệu viết báo cáo thực tập, loại hình số liệu, kinh nghiệm, kỹ năng trong các lĩnh vực cụ thể.
- Điều kiện về môi trường thực tập: ngành, nghề, quy mô công ty, lĩnh vực hoạt động…
Ví dụ, có sinh viên ghi rõ: “ Thực tập trong một doanh nghiệp sản xuất có quy mô từ 500 lao động trở lên”. Có thể đây là yêu cầu từ phía nhà trường; tuy nhiên khi đó các công ty có quy mô nhỏ hơn về số lao động sẽ “đóng ba-ri-e”. Nhà trường cần cân nhắc việc đưa ra các tiêu chí về nơi đi thực tập, nhất là khi liên quan đến thu thập thông tin thuộc loại bảo mật (như thông tin tài chính, lương, doanh thu, cơ sở dữ liệu khách hàng, …) ở các tổ chức và doanh nghiệp, để tránh đặt sinh viên vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Trên cơ sở của Mục tiêu và Điều kiện thực tập cũng như bản CV của sinh viên, tổ chức và sinh viên có thể xác định được sự phù hợp (hay không phù hợp) của sinh viên với việc đến thực tập tại tổ chức đó./.
DTK Consulting, 26/02/2014