|
|
Giám đốc DTK Consulting đứng trước cỗ máy khoan CNC hiện đại của hãng Amada, Nhật Bản, trưng bày tại Triển lãm MTA 2008. (Hà Nội, 11/7/2008) |
|
Phần này của bài viết đề cập đến tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ và nhu cầu cần có các công nhân kỹ thuật, có tay nghề cao để vận hành các máy và thiết bị hiện đại trong ngành công nghiệp này.
DTK Consulting bàn về hướng nghiệp cho thanh niên
Tình hình kinh tế trong và sau khủng hoảng
Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng đã vấp phải nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng của quý I/2009 đã giảm hẳn so với năm 2008 và chỉ bằng khoảng một nửa của kế hoạch đã duyệt lại. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, nhu cầu tuyển dụng mới lao động cũng giảm.
Tuy nhiên, thế giới đã hai lần xảy ra khủng hoảng kinh tế và theo quy luật thì khủng hoảng chỉ là ngắn hạn, sau đó sẽ là giai đoạn phục hồi kinh tế. Từ góc độ của các cá nhân người lao động, cần có kế hoạch dài hạn cho phát triển nghề nghiệp. Mỗi người lao động cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết của một nghề chính và khả năng áp dụng cho các nghề liên quan. Người lao động cũng cần không ngừng cập nhật kiến thức chuyên môn, mở mang quan hệ và nâng cao kỹ năng của mình để không bị lạc hậu với xu thế phát triển hay các thay đổi khách quan.
Tình hình thị trường lao động có tay nghề
Trong những năm gần đây, Việt Nam dựa nhiều vào lao động giá rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, “lợi thế cạnh tranh” này không bền vững và đã thể hiện rất rõ trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những lao động giản đơn là những người bị cắt giảm đầu tiên; nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đã phải về nước trước thời hạn. Thực tế đã cho thấy Việt Nam cần phải chuyển sang nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; điều này đã được các nhà quản lý vĩ mô và làm chính sách bắt đầu lưu tâm.
Sản xuất công nghiệp luôn là nền tảng của phát triển. Rất nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất và đòi hỏi có những công nhân kỹ thuật, những người thợ có tay nghề cao, vận hành các máy móc, thiết bị này.
|
Tại triển lãm MTA 2008 (Giảng Võ, Hà Nội, tháng 7/2008), tràn ngập các máy móc thiết bị của các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, Công ty TNHH Cơ điện tử Bách Khoa cũng trưng bày một máy CNC của mình chế tạo. Trong ảnh là nụ cười rạng rỡ của các kỹ sư trẻ Việt Nam khi được Giám đốc DTK Consulting (cũng là một kỹ sư chế tạo máy) động viên. |
Chú thích: CNC – viết tắt cho Computer(ized) Numerical(ly) Control(led) (điều khiển bằng máy tính).
|
Giám đốc DTK Consulting (trái) cùng anh Vũ Đình Minh (phải), Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH Cơ điện tử Bách khoa (BKMech). Máy VMC65, một loại máy công cụ điều khiển số do BKMech chế tạo. Tại triển lãm MTA 2008, Hà Nội, tháng 7/2008. |
Những điều cần thay đổi trong cách nhìn nhận về nghề nghiệp
Hiện nay, nếu xét đến chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học của các trường và số thí sinh đăng ký dự thi, thì thấy tỷ lệ thí sinh không được vào đại học là rất cao. Mặc dù vậy, tâm lý chung là “cứ thi để thử sức”. Việc đặt mục tiêu thi đỗ vào đại học như là một đích chính, gây sự tốn kém và căng thẳng tâm lý không cần thiết cho các gia đình và cho xã hội. Nếu vì lý do học lực hay lý do kinh tế của gia đình, rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đáng ra không nhất thiết phải đăng ký thi đại học mà nên đầu tư thời gian và nguồn lực hạn chế vào các mục tiêu học nghề thiết thực hơn.
Tuy nhiên, việc lập kế hoạch của thanh niên trong hướng nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố mang tính tồn tại.
Xã hội
Trong xã hội còn có xu hướng ”coi trọng bằng cấp”. Trong khi đó, nền sản xuất của Việt Nam còn ở mức độ công nghệ thấp, không có điều kiện để phát huy được hết các năng lực con người. Kết quả là rất nhiều người có bằng đại học hay trên đại học song không có điều kiện sử dụng tối ưu vốn kiến thức của mình. Như vậy, sự đầu tư đã bỏ ra phần nào là lãng phí nguồn lực. Các tầng lớp trong xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn với việc học sinh không chọn thi vào đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông mà chọn vào học trong các trường dạy nghề. Xã hội cũng không nên coi việc “trượt” đại học là một “thất bại” và nên nhìn nhận việc này “một cách thể thao”.
Nhà trường
Nhà trường cũng cần hướng nghiệp cho các học sinh về nhu cầu của nền sản xuất trong việc cần có đội ngũ đông đảo công nhân kỹ thuật, lao động có tay nghề. Chúng ta nên nhớ rằng các kỹ sư, cử nhân chỉ là một bộ phận nhỏ trong cơ cấu sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp. Các em học sinh cần được hướng dẫn về các cơ hội nghề nghiệp khác nhau (đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề…), để có sự chọn bước đường phù hợp nhất với bản thân (về năng lực, sở thích, điều kiện tài chính gia đình…) Tất nhiên, việc có thêm kiến thức hàn lâm (ý nói ở bậc đại học) là hoàn toàn hợp lý, song kiến thức có thể được bổ sung trong những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Sự phân công lao động trong xã hội luôn được diễn ra một cách tự nhiên, nên điều quan trọng là mỗi cá nhân cần liên tục tự đánh giá bản thân để có sự chọn lựa và thay đổi nghề nghiệp một cách thích hợp nhất. Một người nguyên là công nhân kỹ thuật song thăng tiến và trở thành một quản đốc phân xưởng, sẽ đạt được sự phát triển cá nhân trọn vẹn hơn một người là kỹ sư song không có cơ hội phát huy cao độ những kiến thức đã học. Tương tự, với các công nhân, những “đôi bàn tay vàng”, có những sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng.
|
Máy đột dập TruPunch 1000 trưng bày tại Triển lãm MTA 2008. Để điều khiển các cỗ máy hiện đại như thế này cần có những người thợ với kiến thức và tay nghề. (Ảnh DTK Consulting). |
Gia đình
Hiện nay ảnh hưởng của gia đình đối với các em học sinh phổ thông trung học trong việc hướng nghiệp là rất lớn. Hy vọng rằng các bậc phụ huynh sẽ có lối tiếp cận “thông thoáng” hơn. Các gia đình nên tạo điều kiện và hướng dẫn con em mình tự đánh giá năng lực bản thân, sở thích, hoài bão, cá tính…, tìm hiểu các lĩnh vực, nhóm nghề liên quan để có sự hướng nghiệp phù hợp. Gia đình nên chỉ cung cấp thông tin, hướng dẫn, phân tích, tư vấn, phản biện và để con em mình tự quyết định trong việc chọn nghề tương lai sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tuyệt đối tránh gây áp lực với con em về những đích trong thi cử (giống như “áp lực doanh số” trong ngành sales), có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc (mà các phương tiện truyền thông đã từng đưa tin trong mùa thi cử).
Người sử dụng lao động
Một doanh nghiệp sản xuất có dùng máy móc, thiết bị, không thể thiếu các công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề. Để có những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập hay phục vụ mục đích xuất khẩu, doanh nghiệp phải dùng các máy móc hiện đại và đòi hỏi có đội ngũ lao động có khả năng vận hành thông thạo các máy móc thiết bị này.
Doanh nghiệp có thể chuẩn bị “dài hơi” và đóng góp (gián tiếp) cho việc đào tạo, xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật thông qua các hoạt động quảng bá về cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện làm việc, văn hoá doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh ở Việt Nam, khi sự coi trọng bằng cấp vẫn còn “đeo bám”, việc xây dựng các hình ảnh điển hình và tôn vinh các công nhân kỹ thuật có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp, là một việc nên làm.
Như ông Kentaro Okuno, Tổng Giám đốc Công ty nhựa Daiwa Plastic Thăng Long chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 3 (tổ chức ngày 03/3/2009 tại Hà Nội), có nhiều trường hợp các công ty FDI mới vào Việt Nam, sau khi đào tạo xong nhân viên thì họ (nhân viên) lại ra đi! Theo DTK Consulting, sở dĩ xảy ra các trường hợp này một phần là do công ty chưa có chính sách nhân sự phù hợp.
Các nhà lập chính sách
Các nhà lập chính sách có thể có tác động rất lớn đối với hưóng nghiệp trong thanh niên, thông qua việc định hướng công tác truyền thông, “uốn nắn” quan điểm coi trọng bằng cấp trong xã hội, quảng bá cho phát triển nhân lực trong các ngành sản xuất, xây dựng hệ thống pháp luật lao động phù hợp, không ngừng hoàn thiện các chính sách và thực tiễn trong hỗ trợ đào tạo nghề…
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 3, ông Hồ Viết Tâm, Giám đốc Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMTC) chia sẻ rằng khi hợp tác kinh doanh với DN Nhật Bản, ngoài việc thiếu năng lực thiết bị, Công ty có những khó khăn như thiếu kỹ sư công nghệ, cán bộ quản lý sản xuất. Qua đây chúng ta thấy vai trò hướng nghiệp cho ngành công nghiệp phụ trợ còn rất nhiều việc để làm.
Nhu cầu của đa dạng nghề nghiệp trong xã hội
Trên thị trường lao động, danh mục các nghề mà xã hội có nhu cầu khá dài, không thể liệt kê tại đây. Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu trên các trang web tuyển dụng, 8 lĩnh vực ngành-nghề có nhu cầu cao nhất là: Kế toán/Tài chính, Kỹ thuật ứng dụng, CNTT-Phần mềm, Hành chánh/Thư ký, Quản lý điều hành, Sản Xuất, Ngân hàng/Đầu tư, CNTT-Phần cứng/Mạng. Như vậy các công việc trong lĩnh vực sản xuất thuộc Top 10 (đứng thứ sáu trong Top 8) từ góc độ nhu cầu của thị trường lao động. Tất nhiên thứ tự này có thể thay đổi chút ít tuỳ theo từng giai đoạn trong năm hay chịu tác động của các xu hướng chính trong nền kinh tế vĩ mô. (Ở Việt Nam, đã có giai đoạn nghề Đầu tư chứng khoán là rất “hot”).
Hướng nghiệp và phát triển sự nghiệp cá nhân
Như đã trình bày trong các phần trên, mỗi cá nhân cần cân nhắc học lực, điều kiện tài chính, sở trường, sở đoản của bản thân, năng khiếu và cá tính, để từ đó có sự chọn lựa nghề nghiệp và mục tiêu phát triển cá nhân thích hợp. Nếu cần tham vấn, các cá nhân có thể gửi email đến địa chỉ info@dtkconsulting.com. DTK Consulting coi các cá nhân và cộng tác viên là những người bạn của Công ty. Nếu có dịp tư vấn (miễn phí) cho các cá nhân trong hướng nghiệp, chúng tôi coi đó là một trách nhiệm xã hội và cũng là sự đóng góp của Công ty trong phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
DTK Consulting, 4/4/2009
Bài liên quan:
Ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam và vấn đề hướng nghiệp cho thanh niên (Phần 1)
|