Tháng 3 và 4 năm 2008 thuộc những tháng đầu tiên sau Tết cổ truyền, nhiều ngày nghỉ lễ, song hoạt động đối ngoại của DTK Consulting đã rất bận rộn. Nền kinh tế vĩ mô cũng đã trải qua những biến cố lớn, như sự suy giảm của thị trường chứng khoán, sự khan hiếm đồng Việt Nam, những thăng trầm của giá USD, sự đầu cơ gạo, lạm phát cao...
Bản tin số 5 của DTK Consulting tập trung vào chủ đề lạm phát, với mục đích hỗ trợ các Đối tác trong việc xử lý tình hình. Lương và các lợi ích luôn luôn là những vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm trong mọi loại hình doanh nghiệp và tổ chức!
DTK Consulting sẽ cân nhắc các ý kiến đóng góp quý báu của các Đối tác và Cộng tác viên về Bản tin và sẽ thể hiện dần trong các số sau. Xin chân thành cảm ơn.
Bản tin Số 5
(Tháng 3-4/2008)
Dành cho các Cộng tác viên là cá nhân và các Đối tác là tổ chức.
Hoạt động đối ngoại và chuyên môn của DTK Consulting
Trên bình diện hội nhập, ngày 25 và 26 tháng 3 năm 2008, Giám đốc Công ty đã tới Hàn Quốc tham dự Hội nghị của PECC-ABAC về chủ đề Dịch chuyển lao động quốc tế tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, do Ủy ban quốc gia Hàn Quốc về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (KOPEC) chủ trì. Tại Hội nghị, được sự uỷ quyền của Văn phòng Giới sử dụng lao động – VCCI, Giám đốc Công ty đã trình bày bản tham luận của Việt Nam, do ông Phùng Quang Huy, Trưởng ban -Văn phòng Giới sử dụng lao động, là tác giả. Thông cáo báo chí của Công ty về hoạt động này đã được Thời báo Kinh tế Việt Nam đăng trên số 83 ra ngày 4-5/04/2008.
DTK Consulting đã gửi tới Viện Phát triển Doanh nghiệp - VCCI bản tham luận cho buổi Thuyết trình-tọa đàm về Vấn đề lao động và nhân sự cao cấp trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, do Viện Phát triển doanh nghiệp tổ chức vào ngày 24/03/2008. Giám đốc DTK Consulting được Viện PT Doanh nghiệp mời tới tham dự sự kiện quan trọng này trên cương vị là diễn giả, song do trùng chuyến đi công tác khác nên không tới tham gia được. Bài tham luận được đăng trên website của Công ty.
Trong hai ngày 17 và 18/04/2008, với tư cách là đại biểu của một Hiệp hội nhân sự lớn, Giám đốc DTK Consulting đã tham dự hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện Bộ luật Lao động trong 13 năm qua và phương hướng sửa đổi trong thời gian tới”. Hội thảo, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (MOLISA) tổ chức. Công ty đã thu thập ý kiến của các tổ chức và cá nhân trong mạng lưới về Bộ luật Lao động và đã tham gia ý kiến tại Hội thảo cũng như gửi bằng văn bản tới Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH.
Với kinh nghiệm xây dựng và duy trì website của Công ty, phục vụ cho công việc tư vấn quản trị nhân lực và là một hội viên tích cực của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, DTK Consulting đã được Văn phòng Giới sử dụng lao động – VCCI chọn làm Nhà tư vấn trên bình diện quản trị nhân lực và người sử dụng trong Dự án xây dựng website của Văn phòng Giới sử dụng lao động (BEA). Trang web của BEA sẽ được ra mắt trong một ngày gần đây, phục vụ nhu cầu thông tin, tham vấn và nghiệp vụ của giới sử dụng lao động.
Vấn đề kinh tế-chính trị liên quan
Tuy các mục tiêu kinh tế, tài chính và xã hội là những đích chính, một doanh nghiệp không thể tự tách rời khỏi ảnh hưởng của hệ thống chính trị của đất nước.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008, Hội nghị lần thứ sáu BCH TW Đảng Khoá X, Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nêu định nghĩa mới về giai cấp công nhân như sau:
“Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Định nghĩa này, về lâu dài, sẽ có những ảnh hưởng mới và khác biệt tới một loạt lĩnh vực công tác về lao động, xây dựng lực lượng, công đoàn, quản trị nhân lực, xây dựng chính sách v.v trong các doanh nghiệp.
Ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô đến quản trị nhân lực
Lương tối thiểu (LTT) chung và LTT vùng
Mức lương tối thiểu áp dụng từ ngày 01/01/2008 đã được quy định bởi ba Nghị định số 166, 167 và 168/2007 của Chính phủ.
Theo NĐ 166/2007, mức lương tối thiểu chung để trả công cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường thực hiện từ 01 tháng 01 năm 2008 là 540.000 đồng/tháng.
Theo NĐ 167/2007, mức lương tối thiểu vùng là 620.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; mức 580.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các quận thuộc một số thành phố, thị xã khác (xem chi tiết trong Nghị định).
Theo NĐ 168/2007, với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là DN), mức 1.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, t.p HCM; mức 900.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội, t.p HCM và một số quận, huyện thuộc các thành phố khác (xem chi tiết trong Nghị định); mức 800.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên các địa bàn còn lại.
Lạm phát
Trong vòng 4 tháng đầu năm 2008, lạm phát cao tới hai con số đã trở thành một vấn đề nóng bỏng của đất nước. Lạm phát cao có nhiều nguyên nhân, một nguyên nhân chính là năng lực quản lý vĩ mô về tài chính, tiền tệ, nguyên nhân khác là tốc độ tăng trưởng quá “nóng" của kinh tế Việt Nam. Nhằm kiềm chế tốc độ lạm phát, việc hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2008 xuống 7% đã được Chính phủ đệ trình Quốc hội phê duyệt.
Lạm phát cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của một bộ phận lớn người lao động (có thu nhập thấp), ngoài ra còn dẫn đến bất ổn định về xã hội. Tại nhiều nơi, công nhân đã đình công đòi tăng lương, cải thiện bữa ăn giữa ca, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nơi đây, trong khi chính các doanh nghiệp cũng là “nạn nhân” của lạm phát cao.
|
Chỉ số giá tháng 4 năm 2008 so với (%) |
Chỉ số giá 4 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007 |
Tháng 4 năm 2007 |
Tháng 12 năm 2007 |
Tháng 3 năm 2008 |
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG |
121,42 |
111,60 |
102,20 |
117,61 |
I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống |
134,11 |
118,01 |
103,11 |
127,91 |
CHỈ SỐ GIÁ ĐÔ LA MỸ |
99,59 |
99,30 |
101,21 |
99,46 |
(Số liệu từ website của Tổng cục Thống kê)
Như vậy, trong vòng 12 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 21,42% và tăng 11,6% so với tháng 12/2007. Với những nhân viên có lương hợp đồng ghi bằng USD, sức mua quy đổi về tiền Việt của họ bị giảm chỉ còn 82% so với 12 tháng trước đây. Nếu ngân sách cho phép, các tổ chức nên xem xét việc đánh giá lại lương hay trợ cấp tạm thời cho những người lao động ở các ngạch thấp của thang, bảng lương, vì họ phải dùng một phần lớn tiền lương vào việc mua lương thực, thực phẩm (mặt bằng giá tăng 34,11% so với 12 tháng trước đây). Người lao động ở mọi ngạch, bậc cũng nên thông cảm với các khó khăn của doanh nghiệp. Công đoàn, đại diện của người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp nên áp dụng các phương pháp đối thoại xã hội để tìm các giải pháp phù hợp, tránh gây bất ổn định, làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ■
DTK Consulting, 04/05/2008
DTK Consulting chỉ lưu trên website file Word hay PDF của 10 Bản tin gần nhất. Nếu bạn đọc có nhu cầu với các file cũ, xin liên hệ info@dtkconsulting.com.
Chú thích (DTK Consulting, 24/10/2008): NĐ 167/2007 và NĐ 168/2007 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2008. Xin tham khảo NĐ 110/2008 và NĐ 111/2008, có hiệu lực từ 01/01/2009.