Bản tin số 3 được hoàn tất khi chúng ta đã bước sang năm 2008. Do công việc cuối năm 2007 có nhiều bận rộn nên Công ty chưa thực hiện được dự định là ra các Bản tin hàng tháng. Bản tin số 3 đề cập đến một số vấn đề vĩ mô, song chúng cũng liên quan rất mật thiết đến các doanh nghiệp và các cá nhân do tính tác động sâu rộng.
Trong các Bản tin sau, ngoài các tin tức tuyển dụng, phần nổi của “tảng băng quản trị nhân lực”, chúng tôi sẽ cố gắng đề cập đến những thách thức trong công tác quản trị nhân lực ở tầm vi mô (doanh nghiệp). Tuy các chủ đề dường như là xoay quanh doanh nghiệp với tư cách là Người sử dụng lao động, các cá nhân (Người lao động) đóng một vai trò quan trọng. Cùng với vai trò của lãnh đạo cấp cao, thành công của Doanh nghiệp hay Tổ chức không thể có được nếu thiếu sự tham gia của từng cá nhân người lao động ở mọi cấp bậc.
Bản tin Số 3
(Tháng 10-12/2007)
Dành cho các Cộng tác viên là cá nhân và các Đối tác là tổ chức.
1. Môi trường kinh doanh
1.1 Chính trị
Việc Việt Nam được bầu vào vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ hai năm 2008-2009, là một sự kiện có ý nghĩa không chỉ với đất nước mà cả cộng đồng doanh nghiệp. Tên tuổi của đất nước sẽ được nhiều người, đặc biệt là giới kinh doanh trên thế giới lưu ý đến hơn.
Tham gia vào quá trình ra quyết định tại HĐBA LHQ đòi hỏi Việt Nam phải có quan điểm và năng lực rõ ràng, điều này tác động không nhỏ đến điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, cho dù sự tương quan này là không trực tiếp và có độ trễ. Có thể nói, vị thế chính trị của đất nước đã đi lên và là tiền đề cho phát triển hợp tác trong khu vực và quốc tế. Đây là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp có lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ mở.
1.2 Kinh tế
Lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2007 tăng 12,63% (chỉ số trung bình năm là 8,3%) so với cùng kỳ năm trước. Đây là một con số cao, bất chấp những ý chí chính trị và nỗ lực hành chính. Điều này cho thấy tác động của kinh tế thị trường và hội nhập đến nền kinh tế của đất nước là rất lớn.
Thật sự là một nghịch lý là khi dòng đầu tư vào Việt Nam tăng thì việc điều hành kinh tế vĩ mô, ở đây là xử lý vấn đề ngoại hối và tỷ giá, đã có những lúng túng ở tầm quốc gia. Một lượng lớn tiền VNĐ được Ngân hàng Nhà nước tung ra mua vào USD, đã là tác động đáng kể làm tăng thêm lạm phát.
Tỷ giá USD-VND đi xuống cũng là những ảnh hưởng không thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với lạm phát tăng cao, như vậy thu nhập thực tế của các nhân viên làm việc trong khối công ty và tổ chức có yếu tố nước ngoài bị giảm rõ rệt. Cần phải nói rằng khối nhân viên này là lực lượng lao động chất lượng cao, nếu không nói là “tinh hoa” của đất nước, về năng lực chuyên môn, quản lý, ngoại ngữ và phong cách làm việc.
Vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế
Ngay cả ở các nước đã phát triển trên thế giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (VVN) chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Theo một số liệu của Liên đoàn Giới chủ Na-uy, trình bày tại hội thảo của VCCI ở Hà Nội cuối năm 2007, ở nước này, số các doanh nghiệp có từ 1 đến 19 người lao động là lớn nhất. Ở Việt Nam, theo phân loại của VCCI, doanh nghiệp nhỏ là DN có ít hơn 30 nhân công, vốn đăng ký ít hơn 1 tỷ đồng; DN vừa: ít hơn 300 nhân công, vốn đăng ký ít hơn 10 tỷ đồng.
DTK Consulting là một doanh nghiệp nhỏ về quy mô, song do đặc thù kinh doanh là lĩnh vực chất xám nên phạm vi hoạt động là không hạn chế về địa lý. DTK Consulting tập trung hợp tác với các khách hàng là doanh nghiệp VVN, song cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trong những lĩnh vực mà DN lớn có “khoảng trống”. Điều này giống như trong chiến đấu, bên cạnh các xe tăng với vỏ thép dày và đại bác hạng nặng, khi xung trận vẫn cần có những người lính bộ binh với tiểu liên đi kèm…Hai bên yểm trợ nhau để cùng tiến!
2. Dành cho các công ty và tổ chức
Sức ép với tiền lương
Với khối lao động hưởng lương bằng nội tệ thì ảnh hưởng của lạm phát rất rõ ràng. Một trong những biện pháp khắc phục lạm phát ở cấp độ các cá nhân và doanh nghiệp là nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, cắt giảm các chi phí không thiết yếu. Người lao động ở các ngạch lương thấp như Trợ lý, Nhân viên là những đối tượng phải chịu sức ép của lạm phát mạnh nhất, trong khi nhu cầu chi tiêu tối thiểu của nhóm này lại cao hơn. Họ chỉ có một con đường duy nhất là học thêm về chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, để có thể đảm nhận những công việc mới, làm việc với hiệu suất cao hơn và để xứng đáng được hưởng mức thu nhập cao hơn. Đây là cũng là vấn đề quản trị nhân lực dành cho các doanh nghiệp, liên quan đến lĩnh vực quản lý hiệu quả công việc, đào tạo và phát triển nhân viên, duy trì một hệ thống đãi ngộ cạnh tranh trong doanh nghiệp, lưu giữ nhân tài.
Vấn đề “nóng” của nhân sự
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2008 là 8-9%, trong khi lạm phát từ 7-8%. Với đặc tính thận trọng khi dự báo lạm phát và trải nghiệm đã qua, các công ty cần có phương án dự phòng, liên quan đến việc lập ngân sách lương và kế hoạch kinh doanh. Mức tăng lương trung bình 10% /năm là thiết thực với những công ty đặt mình ở vị trí nhóm hàng đầu.
Tăng trưởng và lạm phát luôn luôn là hai yếu tố song hành, nên những doanh nghiệp thực sự hoạt động trong cơ chế thị trường, cần chú ý theo dõi các vấn đề kinh tế vĩ mô; chúng có ảnh hưởng đáng kể không chỉ đến kết quả kinh doanh mà cả cuộc sống của người lao động. Trong bối cảnh “lạm phát” cầu lao động chuyên môn và quản lý, người lao động cũng được kêu gọi tăng sự cam kết, gắn bó với công ty. Bản thân DTK Consulting không khuyến khích các ứng viên thay đổi công việc quá thường xuyên mà chỉ nên có kế hoạch thay đổi công việc khi không còn cơ hội phát triển sự nghiệp.
Nhu cầu về chiến lược nhân sự
Thời gian vừa qua, cùng với những nỗ lực của DTK Consulting trong PR và tiếp thị, đã nhận thấy có sự quan tâm về chiều sâu trong công tác quản trị nhân lực của một số doanh nghiệp Việt Nam. Đây là nhu cầu tất yếu song cũng là sức ép của thị trường, khi mà vấn đề nguồn nhân lực thật sự không còn là xa vời đối với nền kinh tế của đất nước. Nếu “trồng người” là “sự nghiệp trăm năm” thì không phải ngày một ngày hai là chúng ta có một đội ngũ dồi dào lao động có kỹ thuật cao và trình độ quản lý, đáp ứng các nhu cầu tăng trưởng của mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế. Do vậy, các doanh nghiệp hàng đầu thực sự cần có chiến lược tổng thể, dài hơi trong tuyển dụng, quản lý, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Đào tạo nhân lực
Không nói đến các công ty và tập đoàn lớn, có trung tâm đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên kỹ thuật, các công ty VVN cũng nên cân
nhắc phương án tự đào tạo với các vị trí khó bổ nhiệm. Điều này có thể thực hiện theo những lộ trình nhất định, trong khuôn khổ kế hoạch phát triển cá nhân, một phần của hệ thống quản lý hiệu quả công việc, với những nhân viên có năng lực và cam kết, gắn bó với Công ty trong một giai đoạn đáng kể.
3. Dành cho các cá nhân
Môi trường kinh doanh của các công ty như nêu trên đây là các lĩnh vực quan trọng mà các cá nhân, với tư cách là người lao động, cần theo dõi để có sự hợp tác hiệu quả cùng công ty hay tổ chức của mình. Việc không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng là rất cần thiết cho sự phát triển sự nghiệp cá nhân, cho dù đó là vị trí nhân viên hay quản lý. DTK Consulting sẽ tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm và quan điểm trong lĩnh vực liên quan tại các Bản tin tiếp theo, trên trang web hay Blog ■
DTK Consulting, 16/01/2008
DTK Consulting chỉ lưu trên website file Word hay PDF của 10 Bản tin gần nhất. Nếu bạn đọc có nhu cầu với các file cũ, xin liên hệ info@dtkconsulting.com.