|
|
|
|
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, mức độ hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và chính sự phát triển của hệ thống văn bản pháp luật lao động của Việt Nam, một số cụm từ vốn đã ăn sâu vào “gốc rễ” ngôn ngữ từ thời bao cấp, với cơ chế “xin – cho”, nay đã dần dần trở nên lạc hậu, nếu không nói là “cổ hủ” và cần dừng việc sử dụng chúng. Trong số các cụm từ này có từ “đơn xin việc” và “xin việc”.
Là giám đốc một công ty tư vấn trong lĩnh vực quản trị nhân lực, có cơ hội giao lưu rộng rãi với giới “Nhân sự” (những người làm việc trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực) từ mọi loại hình doanh nghiệp, các doanh nhân, các nhà quản lý, nhà giáo dục, giới truyền thông cũng như người lao động ở mọi cấp độ, cùng với việc cập nhật thông tin từ hệ thống văn bản pháp luật lao động, tác giả bài viết này muốn chia sẻ và cũng muốn đóng góp vào việc "định hướng” các nhóm khác nhau trong xã hội và trên thị trường lao động, về một chủ đề nhỏ và cũng không còn mới, là “không nên dùng từ “xin việc” nữa”.
Việc nên hay không nên dùng một từ (thuật ngữ) trong bối cảnh chính thống thể hiện rất rõ sự nhận thức, quan điểm, lối tiếp cận của các cá nhân liên quan cũng như toàn xã hội. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận về từ “xin việc” và “đơn xin việc” từ một số góc độ.
Yếu tố lịch sử
Trong một thời gian dài của thời kỳ kinh tế tập trung, bao cấp, với sự ảnh hưởng của “cơ chế xin-cho”, từ “xin” đã được dùng nhiều trong các đơn từ hành chính, ví dụ trong lĩnh vực lao động: Đơn xin việc, Đơn xin thôi việc, Đơn xin nghỉ phép v.v.
Thông lệ hành chính cũ
Ngay trong túi hồ sơ bán sẵn ở các quầy văn phòng phẩm ngoài phố, gần các trường học, ngoài tờ Sơ yếu lý lịch (4 trang khổ to, nền màu xanh) cũng có một mẫu “Đơn xin việc”, hoặc “Đơn xin học nghề hoặc đi làm”; có mẫu chỉ in to, đậm từ “Đơn xin” ở dòng thứ nhất và để trống dòng thứ hai cho người sử dụng tùy mục đích mà điền tiếp. Đây đã thành một thông lệ, tuy nhiên có thể thấy là trên các mẫu này không có dòng chú thích là mẫu được in dựa theo văn bản quy phạm pháp luật nào.
Thói quen trong thực tế
Do từ “xin”, cụ thể là trong cụm từ “đơn xin việc”, “đi xin việc” đã ăn sâu vào “gốc rễ” của tiếng Việt và tư tưởng con người trong vài thập kỷ, nên hiện nay rất nhiều người, từ cấp quản lý doanh nghiệp, người làm trong lĩnh vực truyền thông, cho đến người lao động, vẫn còn dùng từ “đơn xin việc” trong văn viết, văn nói, trong các bối cảnh chính thức cũng như phi chính thức.
Tại thời điểm tác giả viết bài này, khi tìm kiếm trên Google (phạm vi 1 năm trở lại đây) với cụm từ khóa “đơn xin việc”, cho thấy có 260.000 kết quả. Trong khi đó, với các cụm từ khác, kết quả như sau:
“phiếu đăng ký dự tuyển lao động”: 654 kết quả
”đơn đăng ký dự tuyển lao động”: không ra kết quả nào
“đơn đăng ký dự tuyển”: 3.760 kết quả
“thư đăng ký dự tuyển”: 39 kết quả
“phiếu đăng ký dự tuyển”: 7.010
Như vậy “thói quen” dùng cụm từ “đơn xin việc” vẫn còn rất lớn!
Góc độ pháp luật lao động
Trong các văn bản pháp luật về lao động, việc làm, có dùng thuật ngữ “dự tuyển”, chứ không dùng từ “xin việc”. Theo Thông tư 20/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ về tuyển lao động (xem file PDF từ link này) quy định Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, có bao gồm Phiếu đăng ký dự tuyển lao động. (Xem mẫu từ đường link trên).
Như vậy về mặt pháp luật lao động, cụm từ “xin việc”, “đơn xin việc” không (còn) được sử dụng mà các từ chính thức là “dự tuyển” và “phiếu đăng ký dự tuyển lao động” (với 654 kết quả tìm kiếm trong vòng 1 năm trở lại như nêu trong thống kê trên).
Đề xuất
Sau đây là tổng hợp một số đề xuất và gợi ý cụ thể để giới chuyên môn (những người dạy nghề và làm nghề “Nhân sự”), các cá nhân người lao động, cũng như giới truyền thông, các nhà quản lý tham khảo. Mọi ý kiến trao đổi xin độc giả và các đồng nghiệp gửi về info@dtkconsulting.com. Trân trọng cảm ơn.
Cách dùng từ cũ |
Nên dùng là |
Đơn xin việc,
Thư xin việc |
Phiếu đăng ký dự tuyển lao động,
Hoặc: Đơn đăng ký dự tuyển lao động,
Đơn (thư) đăng ký dự tuyển,
Phiếu (thư) đăng ký dự tuyển, v.v. |
Xin việc |
Tìm việc,
Ứng tuyển,
Dự tuyển |
Đi xin việc |
Đi tìm việc,
Đi ứng tuyển,
Đi dự tuyển |
|
|
Ngày 24 tháng 6 năm 2012
Đào Trọng Khang, Giám đốc
Công ty TNHH Tư vấn Quản lý Nhân sự DTK
(DTK Consulting Co., Ltd)
|